(GD&TĐ) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, trong cuộc họp giao ban với 5 Thành phố lớn có ý kiến chỉ đạo “Phải xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá đạo đức của học sinh sao cho phù hợp” (Báo Giáo dục Thủ đô số 62 tháng 4 năm 2009)
Ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ Tướng là mới đây, nhưng thực ra những người làm công tác giáo dục lâu nay vẫn băn khoăn không hiểu vì sao Bộ Giáo dục Đào tạo gần nửa thế kỷ nay vẫn để tồn tại một cách đánh giá đạo đức của học sinh. Chỉ có “Tốt, Khá, Trung bình, Yếu). Tại sao chúng ta lại chậm thay đổi như vậy?
1. Hãy xem ý kiến của giáo viên và học sinh trao đổi về “Đổi mới cách đánh giá hạnh kiểm học sinh” trên website: giaovien.net
* “Tôi ra trường và làm công tác chủ nhiệm không nghỉ năm nào. Nhưng tôi rất băn khoăn về cách xếp loại hạnh kiểm. Ví dụ như: Hạnh kiểm HK 2 cũng là hạnh kiểm cả năm. Hàng năm, Sở GD_ĐT có tổ chức đoàn kiểm tra chéo hồ sơ thi tốt nghiệp, những thầy cô đi kiểm tra có những quan điểm riêng: tại sao học sinh xếp loại học lực yếu mà hạnh kiểm lại tốt? Đúng ra phải xếp loại khá! Riêng Tôi, có suy nghĩ: Một em nào đó luôn cố gắng hết sức mình để học, nhưng chỉ vì tiếp thu chậm, học yếu nên mới bị xếp loại học lực yếu. Thì em đó phải được xếp loại hạnh kiểm Tốt. Còn về học lực đã phải chịu xếp loại yếu rồi. Chẳng lẽ học lực đã xếp loại rồi mà hạnh kiểm cũng phải "bị ăn theo" học lực sao” ??? (Bạn Thạch Ngọc Chinh).
* “Em là giáo viên trẻ, mới ra trường nên vẫn còn nhớ rất rõ thời học sinh của mình. Em cũng đồng ý là việc đánh giá hạnh kiểm không thể qua mấy chữ "tốt" hay "khá" mà phân loại được. Trong những năm em học từ xưa đến giờ, nhất là lúc học ở những trường "điểm", em thấy tất cả hạnh kiểm lúc nào cũng là tốt, tốt, chỉ có ai mắc chuyện gì tệ lắm mới xuống khá, và tệ nhất thì trung bình, và nó trở thành một vết đen trong cả quá trình phấn đấu. Tuổi trẻ luôn mắc sai lầm, và nhờ vậy mới có thể trưởng thành. Nhưng nếu chỉ vì một lần mắc sai lầm mà có thể làm hỏng cả tương lai học sinh, chẳng phải chúng ta chỉ đang khuyến khích những con búp bê chỉ biết nằm nguyên chỗ được đặt vào sao? Bất cứ ai nhìn vào, chỉ cần thấy "khá", "trung bình", họ nào biết học sinh đó có tính cách gì, ưu khuyết ra sao, tâm sự, hoàn cảnh thế nào, chỉ thấy bị hạnh kiểm vậy tức là "có vấn đề". Học sinh được hạnh kiểm tốt có tốt thật không? Học sinh bị hạnh kiểm trung bình có phải là hư đốn đáng ghét không? Đánh giá cả một nhân cách con người, nhất là trong thời kì nhân cách ấy đang hình thành và phát triển mà chỉ qua mấy chữ hời hợt đó thì thật là bất công.
Em nhớ câu chuyện nước ngoài về một cô giáo trẻ mới vào dạy lớp 4 và ấn tượng xấu về một học sinh trong lớp, nhưng sau đó, khi đọc học bạ của học sinh này những năm trước mới nhận ra là mình đã đánh giá sai lầm. Trong học bạ đó, các cô giáo trước ghi những điều như: "Em ấy là một học sinh ngoan ngoãn, đáng yêu, em thực sự là niềm vui cho bạn bè", rồi năm sau là "mẹ em mất, bố không có việc, em ấy phải chịu nhiều gánh nặng", rồi "em trầm lặng, ít chơi đùa, cởi mở".... Những lời nhận xét như vậy mới khiến cho mục "Nhận xét của giáo viên" trở nên có giá trị, vì nó ghi lại cả quá trình phát triển của học sinh, và giúp cho mọi người hình dung được một con người.
Em thực sự mong một ngày nào đó, những quyển sổ học bạ của học sinh Việt Nam mình sẽ thực sự có giá trị như một bản ghi chép để người ta có thể tìm hiểu về cả quá trình phát triển của học sinh, chứ không phải chỉ là một thứ giấy tờ với mấy chữ "tốt", "khá" vô nghĩa”. (Bạn Vân)
* “Hiện nay tôi thấy một số nơi xếp loại hạnh kiểm của học sinh lại phụ thuộc vào kết quả học tập. Học sinh có học lực không tốt do tiếp thu chậm chẳng lẽ học sinh đó lại không được xếp loại hạnh kiểm tốt khi học sinh đó rất ngoan, có ý thức tốt, kính trọng thầy cô, hòa đồng với các bạn.
Vậy nên cần thay đổi trong cách đánh giá hạnh kiểm của học sinh”. (Bạn Nguyên Bình)
* “Trong thực tế, không ít thầy cô khi đánh giá hạnh kiểm của học trò rất tuỳ tiện. Mặt khác, cũng cần phải nói thêm rằng một bộ phận cán bộ quản lí các nhà trường giữa lời nói và việc làm thường không nhất quán nên khi có "sự cố" về việc đánh giá học sinh đều trút gánh nặng lên giáo viên chủ nhiệm, cũng là một nguyên nhân làm cho các thầy cô chủ nhiệm làm việc mang tính chất đối phó, chưa thể hiện tâm huyết của người thầy. Chúng ta nên đánh giá tuy ngắn gọn nhưng người đọc có thể hình dung được những nét lớn về tính cách và sở trường của các em. Từ đó tạo điều kiện cho các em phát huy sở trường của mình, khắc phục hạn chế”. (Bạn Thiên Lý)
* “Các thầy cô giáo ơi, em bị bắt khi xem tài liệu trong lúc thi HK2. Xem tài liệu trong khi thi như vậy có bị hạ hạnh kiểm không? Nhưng đó là môn công nghệ không đáng quan tâm, nhưng liệu có bị hạnh kiểm yếu không? Mong giúp đỡ”. (Học sinh Trần Văn Sỹ).
* “Em cũng quay bài môn công nghê bị bắt! Nhưng mà không phải thi tập trung! HK 1 hạnh kiểm tốt! Vậy cả năm em hạnh kiểm như thế nào vậy? Các thầy cô giúp em với!” (Học sinh Nam)
* “Em là một học sinh khá trong lớp, trên lớp em tích cực phát biểu xây dựng bài nhưng không biết vì lí do gì em thường bị cô giáo bộ môn Toán bắt bẻ trong bài làm cũng như hành động. Em cũng chỉ học lớp 10 nên một số hành động cũng chưa ý thức hết được, nhưng cô giáo bộ môn Toán lại hình như hơi ghét em. Trong 1 lần em có vô tình nói lời xúc phạm cô nhưng đó là không cố ý (nhưng cô cũng hay chỉ trích em trong từng việc làm nhỏ) em đã trực tiếp xin lỗi và làm bản kiểm điểm với cô nhưng cô lại không đồng ý và bảo là sẽ cho em dưới hạnh kiểm Trung Bình... Trong khi mọi môn học trên lớp em đều tích cực học tập và cũng được sự hài lòng của các thầy cô giáo khác, tuy chỉ có môn Toán là em gặp nhiều khó khăn nhất trong quá trình học tập. Vậy các thầy cô cho em hỏi nếu trong trường hợp này thì hạnh kiểm của em sẽ thế nào, nếu các thầy cô khác đều cho em HK tốt chỉ trừ cô giáo Toán (trong khi tiết học toán 1 tuần là 4 tiết). Em cám ơn các thầy cô”. (Học sinh Tuấn)
2. Tham khảo cách đánh giá đạo đức của học sinh Canada:
Được trực tiếp đọc bản nhận xét của giáo viên chủ nhiệm của các học sinh Việt Nam học ở Canada mới đây, Tôi thấy sau mỗi học kỳ (1 năm học có 3 học kỳ) cha mẹ học sinh đều nhận được 1 bản nhận xét 2 trang khổ A4 với 9 nội dung chủ yếu sau:
- Kỹ năng làm việc độc lập
- Năng lực sáng tạo
- Mức độ hoàn thành các bài tập
- Năng lực sử dụng công nghệ thông tin
- Khả năng hợp tác với những người xung quanh
- Khả năng giải quyết những xung đột của cá nhân
- Mức độ tham gia các hoạt động tập thể của lớp
- Khả năng giải quyết vấn đề
- Khả năng biết đặt mục tiêu để hoàn thiện trong tương lai
Tất cả các mục trên, giáo viên chủ nhiệm đều nhận xét điểm mạnh, điểm tốt học sinh đã đạt được trong quá trình học tập, rèn luyện ở trường, và trong từng nội dung nhận xét, nếu học sinh có hạn chế, có điêm yếu, các giáo viên có nhận xét đi kèm để học sinh rút kinh nghiệm, cha mẹ phối hợp giáo dục.
Phải chăng chúng ta có thể áp dụng những tiêu chí này cho học sinh Việt Nam khi đánh giá đạo đức học sinh phổ thông? Sao không? Phải chăng giáo viên chủ nhiệm có vất vả hơn một chút nhưng chúng ta sẽ được cả những thế hệ học sinh sớm hoàn thiện nhân cách.
3. Ý kiến và quan điểm của người nghiên cứu
Sau mỗi học kỳ, mỗi năm học, chúng ta đều đánh giá học sinh cả hai mặt học lực và hạnh kiểm. Việc làm đó là cần thiết và quan trọng. Có vậy mới đánh giá được mức độ rèn luyện, phấn đấu của học sinh trong từng học kỳ, trong từng năm học.
Song chúng tôi vẫn thấy băn khoăn một điều: Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các mức: “Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu” có thể chấp nhận, cứ theo mức điểm học sinh đã đạt mà xếp loại. Nhưng hạnh kiểm của học sinh lâu nay chúng ta vẫn xếp theo thứ bậc: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu, liệu có nên tiếp tục mãi như vậy hay không?
Hiện nay trong nhà trường đều có 2 tình trạng:
- Giáo viên chủ nhiệm thường hết sức thông cảm với học sinh, tuổi các em là tuổi mới lớn không thể có những đánh giá cứng nhắc trong học bạ, để ảnh hưởng phấn đấu lâu dài của học sinh. Do đó phần lớn các em đều được giáo viên chủ nhiệm xếp loại hạnh kiểm: tốt và khá, em nào quá đáng lắm mới bị trung bình.
Đặc biệt những năm cuối cấp, để tạo điều kiện cho học sinh thi hết cấp được thuận lợi, việc xếp loại học sinh cũng được các giáo viên chủ nhiệm "nới tay".
- Còn học sinh thì sao? Những học sinh ngoan, giỏi lúc nào cũng phải giữ cho mức hạnh kiểm của mình ở mức tốt. Từ đó khiến nhiều em phải thu mình, không dám bộc lộ những cá tính, những cách sống riêng, những suy nghĩ riêng sợ thầy cô, bạn bè đánh giá. Là những người làm giáo dục, chúng tôi vẫn nghĩ, làm thế nào đây để khuyến khích các em sống thật, sống hết mình để sau này các em trở thành những người có bản lĩnh, chủ động, sáng tạo. Trong cuộc sống những vấp váp là bình thường; có vấp váp mới có trải nghiệm, mới tự rút ra những bài học trong cuộc sống.
Những học sinh có cá tính, bộc lộ mạnh mẽ hoặc những học sinh sống trong gia đình có hoàn cảnh, thiếu đi những sự giáo dục tỉ mỉ, có hiệu quả thường bị cách xếp loại khô cứng theo mãi các em. Đặc biệt khi học sinh muốn chuyển trường, thay đổi môi trường để phấn đấu, các trường đều chỉ nhận học sinh có hạnh kiểm tốt; thế là xảy ra tình trạng học sinh yếu kém rèn luyện đạo đức cứ việc chuyển từ trường này sang trường khác nhưng hạnh kiểm vẫn được ghi khá, tốt (trường cũ muốn đẩy đi thì phải đánh giá tốt) như vậy học sinh chẳng được giáo dục giúp đỡ gì. Thay bằng sự giáo dục chỉ có một chữ "tốt", "khá" trong học bạ (Chưa kể cha mẹ học sinh muốn làm việc này còn phải mất “tiêu cực phí” - Thế là chúng ta lại nêu thêm tấm gương phải giáo dục.
Đặc biệt trong học bạ, mục nhận xét của giáo viên chủ nhiệm lại không yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải ghi cụ thể nên phần lớn các học bạ giáo viên chủ nhiệm chỉ ghi một hai dòng chung chung: "chăm ngoan", "học khá", "có tiến bộ" hoặc ngược lại có Giáo viên chủ nhiệm “Thật thà” học sinh có “lỗi to” “lỗi nhỏ” nào đều ghi vào học bạ tất, cả khiến nhiều học sinh “khóc dở, mếu dở” vì những từ: “Vô kỷ luật”, “vô lễ”, “Thiếu trung thực” rồi tỉ mỉ cả “hay nói leo”, “hay nói chuyện trong lớp”…
Đọc học bạ của học sinh chúng ta không thể biết mức độ rèn luyện phấn đấu về mặt hạnh kiểm của học sinh ở từng năm học như thế nào? Đánh giá nhằm ghi nhận một thực tế hay chủ yếu phải đạt mục tiêu nhằm khích lệ, định hướng để học sinh có thể hoàn thiện nhân cách?
Từ những thực tế trên đây,chúng tôi kiến nghị: Bộ Giáo dục Đào tạo nên quy định lại việc đánh giá xếp loại hạnh kiểm của học sinh theo tinh thần:
Thứ nhất: Giáo viên chủ nhiệm nên ghi lại trung thực những mặt cố gắng cũng như một số mặt rèn luyện chưa tốt của học sinh theo 5 nội dung chủ yếu sau:
1. Rèn luyện phẩm chất đạo đức:
Giáo viên chủ nhiệm ghi rõ những phẩm chất nổi trội của học sinh như: trung thực, lễ độ, giản dị, khiêm tốn, khoan dung, nhân ái...hoặc cách ứng xử, giao tiếp với mọi người.
2. Ý thức phấn đấu rèn lu6yện trong học tập:
Giáo viên chủ nhiệm nhận xét: mức độ chuyên cần, ý thức chủ động sáng tạo, tích cực vượt khó trong học tập? đã biết tự học chưa?...
3. Ý thức tôn trọng nội quy kỷ luật của nhà trường, pháp luật nhà nước
Giáo viên chủ nhiệm nhận xét: Về mức độ tôn trọng nội quy kỷ luật của lớp, trường; tôn trọng luật lệ giao thông; ứng xử có văn hóa nơi công cộng; tôn trọng giữ gìn tài sản của lớp, trường, nơi công cộng...
4. Ý thức rèn luyện thân thể, bảo vệ môi trường
Giáo viên chủ nhiệm nhận xét: Về việc rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh môi trường...
5. Ý thức tham gia hoạt động tập thể, xây dựng tập thể
Giáo viên chủ nhiệm nhận xét: Học sinh có tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, đội, của trường lớp; tinh thần đoàn kết đấu tranh xây dựng tập thể tổ, lớp, tinh thần hợp tác, giúp đỡ bạn bè...
Năm nội dung trên đây là 5 mục được ghi sẵn trong học bạ để bắt buộc Giáo viên chủ nhiệm phải ghi tỉ mỉ từng học sinh đã phấn đấu đạt được những điểm chủ yếu nào, còn những mặt nào còn yếu, sẽ có lời khuyên để học sinh rút kinh nghiệm cần rèn luyện tốt hơn hoặc có những lời khen để khẳng định, động viên, chỉ ra những hướng phấn đấu tiếp theo.
Thứ hai: Chỉ dừng lại tối thiểu 5 nội dung trên, nhất thiết không xếp loại tổng quát theo thang điểm: Tốt, Khá, Trung bình, Yếu. Chỉ ghi những mặt học sinh nổi trội được khen ngợi ở lớp hoặc trường. Còn những học sinh nào thiếu ý thức rèn luyện, giúp đỡ nhiều lần không chuyển biến sẽ phải ghi "Cần phải rèn luyện về mặt đạo đức trong hè" (Bằng một thông báo khác của nhà trường cho gia đình và học sinh, không ghi trong học bạ).
Những học sinh nào sẽ bị lưu ban hoặc không được thi tốt nghiệp cũng được ghi rõ ràng lý do. Chúng tôi rất mong Bộ Giáo dục Đào tạo chỉ đạo đổi mới cách đánh giá về rèn luyện đạo đức của học sinh thế nào để các em được sống hồn nhiên, không bị ràng buộc, không trở thành những người "cơ hội", thiếu bản lĩnh, thiếu cá tính. Phải chăng làm được điều này chúng ta sẽ góp phần làm nên chất lượng thật trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực và góp phần "chống bệnh thành tích của ngành giáo dục đào tạo".
Từ băn khoăn của phó thủ tướng đến thực tế trăn trở của giáo viên, học sinh và kinh nghiệm thực tế của nước ngoài, chúng tôi muốn nêu lên vấn đề đổi mới cách đánh giá đạo đức học sinh phổ thông hiện nay là một vấn đề cấp bách chắc chắn chúng ta phải thay đổi tiêu chí đánh giá và cách đánh giá đạo đức học sinh phổ thông hiện nay mới phục vụ kịp thời cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thời kỳ hội nhập.
Hà Nội, ngày 25 tháng 05 năm 2009
TS. Nguyễn Tùng Lâm
Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội
[email_link] [print_link] [ratings]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét