[caption id="attachment_1434" align="alignleft" width="149" caption="10 nghịch lí cuộc sống"][/caption]
Con người sinh ra và lớn lên trong mối quan hệ tương tác với cộng đồng quanh mình. Không ai thoát khỏi những sợi dây tương tác mà ở đầu dây kia là nhiều dạng người khác nhau, nhiều tính cách và nhân phẩm khác nhau. Vì thế chúng ta thường băn khoăn và không thôi nghi ngờ khi nghĩ về người khác. Chẳng có gì trên đời này là tuyệt đối.
Khi đường đời càng dài, chúng ta càng có nhiều trải nghiệm và càng suy nghĩ nhiều hơn. Như lời tác giả đã viết trong nghịch lý thứ hai: "Tôi hay bạn đều không tránh khỏi những giây phút phải đối mặt với câu hỏi: "Anh ta là người tốt thật sự hay chỉ là một kẻ đạo đức giả?". Cuộc sống vốn như thế, những người quanh chúng ta chắc cũng nhiều lần đặt câu hỏi như thế này khi nghĩ về một người nào đó. Và kết quả của những việc tốt mà chúng ta làm không phải lúc nào cũng được ủng hộ bởi vì ranh giới giữa tư lợi và lợi ích cộng đồng thường rất mong manh.
Nghịch lý thứ hai
If you do good, people will accuse you of selfish ulterior motives. Do good anyway
Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi. Dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt.
Tôi đã ý thức và nghiệm ra một điều rằng nghịch lý này khi còn là học sinh phổ thông. Năm đó, tôi 15 tuổi và rất quan tâm đến các vấn đề liên quan đến tổ chức học sinh - sinh viên. Trường tôi có một tổ chức riêng dành cho các học sinh đại diện được bầu ra từ mỗi lớp học. Những người đứng đầu của Hội học sinh sẽ đảm nhiệm các vai trò chủ trì trong các buổi họp, đồng thời giám sát hoạt động của tổ chức này. Thêm vào đó, các cán bộ của mỗi lớp sẽ có nhiệm vụ họp bàn cùng nhau để lên kế hoạch cho các hoạt động tập thể của lớp.
Sau vài năm hoạt động, những người đứng đầu Hội học sinh bất ngờ đưa ra quyết định hủy bỏ các tổ chức đại biểu, thay vào đó sẽ lập một hội đồng nhỏ bao gồm các cán bộ lớp và các cán bộ của Hội học sinh. Họ nói rằng điều này sẽ giúp thống nhất các hội đồng lớp với hội đồng học sinh, và như vậy, các hoạt động sẽ được tiến hành một cách hiệu quả hơn. Họ tin rằng đây là một bước tiến lớn đáng được ghi nhận.
Trong khi đó, tôi lại cảm thấy vô cùng lo lắng trước quyết định cải tổ này. Tổ chức đại biểu hiện nay có tất cả khoảng 65 thành viên, còn Hội đồng mới có quy mô nhỏ hơn nên số lượng thành viên giảm xuống còn 20 người. Cá nhân tôi nghĩ rằng Tổ chức đại biểu sẽ tạo cơ hội cho các học sinh thể hiện sự quan tâm của mình, đồng thời phản ánh quyền dân chủ trong trường học tốt hơn so với tổ chức mới. Tôi e rằng với việc cắt giảm hai phần ba số lượng thành viên thì hội đồng mới sẽ trở thành một tổ chức cục bộ, một dạng chính thể hơi phiến diện, độc đoán. Hai mươi học sinh đại diện sẽ không thể thay tiếng nói của hơn 2.400 học sinh trong trường.
Kế hoạch cải tổ đó sẽ không tiến hành nếu chưa được thông qua đại đa số lá phiếu tán thành của học sinh toàn trường. Chính vì thế, một cuộc trưng cầu ý kiến đã được tổ chức. Trong khi chủ tịch Hội học sinh công khai ủng hộ kế hoạch đó thì tôi là người lên tiếng phản đối, đồng thời đề nghị họ cho tôi một khoảng thời gian để nêu lên những phản biện của mình, và họ đã chấp thuận. Khi tờ báo tường của trường cho in một bài xã luận ủng hộ kế hoạch cải tổ, tôi đã viết một lá thư phê phán nó. Suốt trong một tuần liền, tôi là học sinh duy nhất sẵn sàng công khai chống lại sự thay đổi này.
Tôi nghĩ mình đã làm phật lòng không ít vị lãnh đạo của trường vốn không quen bị phản đối hoặc khước từ. Hậu quả là tôi đã phải sống trong những ngày thật "cơ cực" khi liên tục nhận lãnh những lời nhạo báng, những nhận xét đầy ác ý, và thậm chí cả sự lăng mạ. Đã hai lần, họ bất ngờ xông thẳng vào lớp tôi học và xin phép giáo viên được mời tôi lên phòng để họp tranh luận. Ngay cả đến giờ nghỉ trưa tôi cũng không được buông tha khi thỉnh thoảng vẫn phải đối phó với vài cuộc biểu tình hô hào ủng hộ cải tổ. Chưa hết, họ còn tổ chức tụ tập thành từng nhóm trước cổng trường, giương cao biểu ngữ công kích tôi trên phương diện cá nhân. Họ gọi tôi là kẻ "cá nhân chủ nghĩa" và vì thế, tôi không có quyền lên tiếng giả vờ như đang đấu tranh vì lẽ phải.
Sự việc kéo dài trong nhiều tuần liền. Một mình tôi phải đơn độc chịu đựng mọi áp lực cho đến lúc bắt đầu xuất hiện một vài học sinh khác cũng quyết định công khai phản đối kế hoạch cải tổ. Sau đó, những nhận thức mới về vấn đề này đã dần lan rộng trong toàn trường. Cuối cùng, mọi người nhất trí rằng trước khi Hội học sinh biểu quyết cho vấn đề cải tổ này thì họ sẽ tổ chức một cuộc tranh luận để học sinh toàn trường có thể tham gia góp ý kiến của mình. Hội trường, nơi diễn ra cuộc họp, gần như được chia thành hai dãy riêng biệt, dành cho hai phe có chủ trương trái ngược nhau. Tôi được cử làm đại diện cho những người phản đối. Cuộc họp này kéo dài không tới một giờ, nhưng cũng đủ để chúng tôi trình bày rõ ràng và đầy đủ quan điểm của mình.
Ngày công bố kết quả của đợt bỏ phiếu, tôi thật sự bất ngờ khi có tất cả 1.700 lá phiếu phản đối, trong khi chỉ có 400 lá phiếu tán thành kế hoạch cải tổ. Cùng với sự thắng lợi của chúng tôi, Tổ chức đại biểu lại có thể tiếp tục những hoạt động tích cực của mình. Vài tháng sau, ngay cả những người từng bỏ phiếu thuận ủng hộ kế hoạch cải tổ cũng bắt đầu nhận thấy những yếu kém và hạn chế trong cách mà họ từ dự định theo đuổi.
Tôi không ngại thừa nhận rằng mình đã hành động thật dũng cảm. Tôi chỉ là một học sinh lớp 11, không quyền hành, không chức vụ, thế nhưng tôi đã dám một mình đưa ra chính kiến chống lại số đông để rồi phải lãnh chịu biết bao sự ức hiếp, miệt thị của biết bao người, kể cả những người có chức vụ cao trong trường. Cô đơn, uất ức, bị tập thể cô lập..., đó là những gì tôi phải hứng chịu trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng, tôi vẫn cương quyết theo đuổi điều mình cho là đúng đắn bởi điều đó hoàn toàn phù hợp với lợi ích lâu dài của tất cả mọi người.
Chiến thắng không chỉ khiến tôi vui mừng mà còn giúp được tôi nhận ra rằng mình cũng có những tố chất của một nhà lãnh đạo: lòng quyết tâm, một nhận thức rõ ràng về điều mình muốn làm, và trên hết là khả năng truyền đạt cũng như thuyết phục khi đứng trước công chúng.
Vì thế mà ngay từ mùa xuân năm sau, tôi đã quyết định tranh cử vào vị trí chủ tịch Hội học sinh. Khi tên tôi xuất hiện trong danh sách các ứng viên thì những luồng dư luận đa chiều bắt đầu nổi lên. Một hôm, có một người trong ban lãnh đạo nhà trường bất ngờ đến nói với tôi: "Ngay từ đầu, tôi đã thấy nghi ngờ, hóa ra lại đúng sự thật. Sở dĩ cậu khăng khăng đứng ra chống lại kế hoạch cải tổ chỉ để gây sự chú ý. Cậu đã lựa chọn cách quảng bá tên tuổi khá lắm. Đồ cơ hội!". Nói rồi anh ta quay lưng bỏ đi sau khi ném cái nhếch mép đầy khinh bỉ về phía tôi.
Tôi đứng sững như trời trồng, choáng váng và sững sờ trước lời cáo buộc nhẫn tâm đó. Chỉ vì tôi đã chống đối họ, đã khiến họ phật lòng, và vì tôi đã chứng minh cho họ thấy là họ sai nên giờ đây, những gì tôi làm đều bị coi là có động cơ không trong sáng. Chính vì thế, họ xem những việc tôi làm đơn giản chỉ là một bước đi cơ hội đầy toan tính, một trò quảng cáo, một hình thức tiếp thị tên tuổi rẻ tiền nhằm mua chuộc lòng người và để xây dựng các mối quan hệ cộng đồng. Tôi choáng váng, không thể tin được lại có người nghĩ về tôi như vậy!
Tôi đã chứng kiến những việc như thế rất nhiều lần. Đó là những kẻ thiếu lập trường và luôn hoài nghi với cuộc sống, với con người xung quanh. Họ đã từ bỏ, hay nói đúng hơn là không góp nhặt đủ lòng can đảm để tiếp tục hướng đến những điều tốt. Dần dà, họ sẽ chỉ còn biết nghĩ và hành động cho bản thân mình mà thôi. Và rồi, họ tự cho mình là đúng và tiếp tục thanh thản với lời bào chữa rằng mọi người ai cũng đều làm như vậy. Thói quen "suy bụng ta ra bụng người" không chỉ làm hại chính họ mà còn ảnh hưởng đến rất nhiều người khác, biến thế giới này thành một nơi đầy sự toan tính, giả dối, lừa lọc, hèn nhát và vị kỷ.
Sự thật là tất cả chúng ta đều như thế. Tôi hay bạn đều không tránh khỏi những giây phút phải đối mặt với câu hỏi: "Anh ta là người tốt thật sự hay chỉ là một kẻ đạo đức giả?", hoặc chúng ta cũng thường có cái nhìn đầy ác cảm khi cho rằng những ai hay giúp đỡ mọi người chính là những kẻ thích "chõ mũi" vào chuyện của người khác. Nhưng chỉ cần ý thức được những gì mình đang làm là hoàn toàn đúng đắn thì chúng ta hãy cứ mạnh dạn hành động.
Vì tất cả những điều đó mà tôi mới có thể nói rằng thế giới chúng ta đang sống là một thế giới hỗn loạn, chứa đầy những điều nghịch lý. Con người sẽ không bao giờ thôi nghi ngờ, nhưng dù sao đi nữa thì bạn vẫn cần phải làm những gì mà bạn cho là đúng. Đó là cách giúp bạn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, vì bạn được sống thật và sống hết lòng với bản chất của mình mà không hề chịu tác động bởi lòng nghi kỵ và lối suy diễn vô căn cứ.
Sách "10 nghịch lý cuộc sống" - của tác giả TS. Kent M.Keith, NXB Trẻ
Bản thân mỗi người giáo viên đều gắn với nghiệp trồng người, là sự nghiệp vẫn thường được vinh danh cao cả. Để được nhắc đến như một người giáo viên giỏi bạn không thể không ngừng làm việc tốt. Tuy nhiên, làm việc tốt không phải lúc nào cũng được ủng hộ, thỉnh thoảng lại còn bị coi là ‘ngớ ngẩn'.
Khi còn là một giảng viên trẻ, tôi vẫn thường ngạc nhiên không hiểu tại sao các thầy cô của mình bằng lòng với việc đóng cửa, không giao du với các trường quốc tế. Thậm chí, họ không màng tiếp các vị giáo sư nổi tiếng thế giới khi đến thăm trường và cũng không màng tới việc giao lưu, trao đổi học thuật với đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Nhóm giảng viên trẻ chúng tôi hăng hái giao lưu, hăng hái chạy ngược chạy xuôi tổ chức các cuộc gặp trao đổi kinh nghiệm thì thường nhận được những phản hồi rất thờ ơ. Rồi khi có vài nhà quản lý hay thầy cô đến tham dự thì trong phần trao đổi, họ vẫn thường đặt câu hỏi rằng "Trường chúng tôi còn nghèo, ... vì thế không biết trường ông có thể hỗ trợ ...". Đương nhiên, kết quả của các cuộc gặp đó được đánh giá là vô ích vì không phải chuyến thăm nào đến trường, các vị khách cũng có ý định trang bị cơ sở vật chất cho trường. Tóm lại, không phải cuộc gặp gỡ nào trường tôi cũng nhận được những kết quả hữu hình; thường thì nó rất vô hình vì có nhiều giáo sư đến Việt Nam là để trình bày các kết quả nghiên cứu của họ hoặc trình bày những lý thuyết mà tác dụng mong đợi trước mắt của chuyến viếng thăm là trao đổi học thuật.
Những lần sau, khi tôi trình bày kế hoạch mời các vị giáo sư trong ngoài nước đến trường thì bên cạnh thái độ thờ ơ, tôi còn nhận được thêm lời nhận xét khéo: "Sao tôi thấy các chuyến viếng thăm này không có ích lợi gì, mà còn mất nhiều thời gian".
Nhiều đồng nghiệp đã chia sẻ với tôi nỗi buồn vì khi có sáng kiến kinh nghiệm gì chia sẻ thì nhận lại là những lời bàn tán xì xào là làm nổi, là muốn gây ấn tượng với cấp trên. Thật đáng buồn.
Bản thân tôi mặc dù đã ở vị trí quản lý, tưởng như có quyền sáng tạo thoải mái nhưng khi làm việc gì cũng cân nhắc rất kỹ để lựa chọn ra được một cách thể hiện mà không bị khép vào tội tư lợi. Dù bạn đang ở vị trí nào trong xã hội; dù là vị trí thấp hay cao cũng không thoát ra khỏi việc bị người đời phán xét: "Bạn là người tốt hay kẻ đạo đức giả".
Đó là nghịch lý. Nói như thế không có nghĩa rằng hãy bi quan bởi vì trên thực tế; đặc biệt là người giáo viên khi bạn làm gì tốt cho học sinh của mình thì thường chúng ta nhận lại rất nhiều tình cảm nồng hậu. Có thể chúng ta không được sự ủng hộ từ đồng nghiệp nhưng ít nhất kết quả của những việc làm tốt đó là những thay đổi tích cực của học sinh. Còn niềm hạnh phúc nào hơn khi trong sự nghiệp giáo dục của mình, chúng ta tạo ra những con người đích thực.
Nếu bạn làm điều tốt, có thể mọi người sẽ cho là bạn làm vì tư lợi.
Dù sao đi nữa, hãy làm điều tốt
(còn nữa)
Giaovien.net
0 nhận xét:
Đăng nhận xét