Chính cách giáo dục nặng về "định hướng" này đã làm thui chột khả năng tự hình thành nhân cách của học sinh. Hậu quả là chúng ta có được một xã hội khá đồng nhất, nhưng ít có khác biệt về tư duy. Thiếu sự khác biệt ắt sẽ không có tinh hoa, và như một quy luật sinh học, xã hội sẽ rất khó phát triển
Tố chất Việt và giáo dục Việt đang ở đâu? (Phần 1)
Định hướng và sự khác biệt
Hồ Chủ tịch sinh thời đã nói: "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người". Cụ Hồ đã luôn trăn trở để tìm ra một chiến lược về con người cho Việt Nam. Quá trình trồng người có thể được hiểu là bao gồm ba bước: Tạo hạt giống, ương cây và trồng cây, hoặc có thể được hiểu là: Gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình Việt truyền thống luôn coi việc học hành và thành đạt của con cái là ưu tiên số một. Niềm tự hào đầu tiên của đa số bố mẹ Việt không phải là địa vị và tài sản của mình, mà là thứ hạng của con cái trong lớp. Chính vì vậy hiện nay ở ta vẫn tồn tại hệ thống xếp hạng trong lớp mà nhiều nước đã bỏ. Câu đầu tiên mà cha mẹ gặp nhau là hỏi về việc học hành của con cái. Càng những vùng quê nghèo khó, sự hy sinh của cha mẹ cho con cái càng to lớn. Câu nói dân gian "hy sinh đời bố, củng cố đời con" xuất thân trong những hoàn cảnh đó.
Những hạt giống con người Việt Nam ra đời trong các gia đình như vậy, được ươm tại các mái trường và được trồng tại các mảnh vườn thích hợp đã cho ra những kết quả rực rỡ như chúng ta đã thấy tại Đức, Mỹ, Pháp v.v.
Do vậy, những khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục nước nhà rõ ràng mang yếu tố trường học và xã hội hơn là do yếu tố gia đình. Việc các ông bố bà mẹ tìm mọi cách để bắt con cái đi học hết lớp nọ đến lớp kia, không phải là một cách hành xử sai mà chẳng qua chỉ là hậu quả của lối giáo dục "coi nhẹ giáo dục" và không vì người học, không hiệu quả và thiếu định hướng của nhà trường, và sâu xa, của ngành giáo dục hiện nay.
Coi nhẹ giáo dục: Tuy Bác Hồ đã suy nghĩ về một chiến lược con người như vậy, nhưng trải qua mọi thời kỳ, chúng ta thực sự coi nhẹ sự nghiệp giáo dục. Trong những năm chiến tranh và bao cấp hậu chiến, ngành giáo dục luôn là ngành thiệt thòi nhất. Chỉ những học sinh có vấn đề lý lịch hoặc học lực yếu mới đành chịu vào các trường sư phạm. Trong khi viên chức các cơ quan khác được chia nhà tập thể, được đi tu nghiệp ở nuớc ngoài thì anh chị em giáo viên luôn là những người lương thấp khổ hạnh.
Một khi xã hội và nhà nước nhìn nhận sai như vậy về giáo dục thì chất lượng của nó đã bị suy giảm từ gốc, bất chấp biết bao lần cải cách giáo dục đã được tiến hành từ hơn ba chục năm qua. Ngày nay khi đã xóa bỏ bao cấp, chạy theo cơ chế thị trường thì chính nhà nước lại buông lỏng việc quản lý nhà trường- một cơ sở phúc lợi xã hội phi lợi nhuận. Do vậy nhà trường ngày nay bị cuốn hút vào cơn lốc kinh tế thị trường, các ban giám hiệu và các thầy cô đều phải chạy theo đồng tiền.
Tình trạng dạy ngoài, dạy thêm, móc ngoặc, mua bán điểm, bằng cấp v.v đang làm xói mòn đạo đức của người thầy và điều nguy hiểm nhất là chúng đã làm hư hại tâm hồn trẻ em từ lúc mới bước vào nhà trường. Nhiều quan chức khi trả lời các bức xúc của nhân dân trước thực trạng ngành giáo dục hiên nay chỉ thừa nhận khuyết điểm là chưa quan tâm đầy đủ đến quá trình suy thoái trong giáo dục, nhưng thực ra chưa có ai dám thừa nhận là đang vô trách nhiệm với tương lai của dân tộc.
Ít hiệu quả : Hàng năm, Việt Nam chỉ chi khoảng 3 % tổng sản phẩm quốc nội cho giáo dục, một con số không lớn và phần nào khẳng định rằng giáo dục chưa được quan tâm đúng mức ở nước ta. Nhưng con số đó chỉ là chi phí của nhà nước. Trong thực tế, do sự quan tâm đến học hành của gia đình Việt là rất cao nên hàng năm, các gia đình chi cho việc học hành của con cái một lượng kinh phí cũng có thể tương đương hoặc lớn hơn tổng chi phí của nhà nước bỏ ra. Đó là chưa kể đến sự hao phí về thời gian của cha mẹ, của học sinh cho việc đưa đón, đi học các loại trường lớp bên ngoài, bên trong.
Trong xã hội công nghiệp hóa, thời gian còn đắt hơn tiền bạc. Như vậy thì có thể nói tổng chi phí toàn xã hội chi cho giáo dục có thể sẽ lên đến 6 hoặc 7% tổng sản phẩm quốc dân, xét về thứ hạng quốc tế, không còn là con số khiêm tốn nữa. Nhưng chính vì những lệch lạc trong hệ thống giáo dục trên đây mà chúng ta đã gây lãng phí rất lớn cho nguồn lực quốc gia.
Trẻ em chúng ta học mòn học mỏi, nhiều lúc không còn thời gian để chơi, để hưởng các sinh hoạt cần thiết nâng cao trí dục tuổi thơ. Ngoài các lớp học chính, lớp phụ đạo, trường ngoài giờ và cái máy tính, các cháu hầu như không còn thời gian để quan tâm đến các hoạt động xã hội, tiếp xúc với thiên nhiên và hậu quả là khi ra đời, khả năng thích nghi với cuộc sống sẽ bị hạn chế. Cha mẹ thì bỏ rất nhiều tiền của vào các lớp học, các loại phong bì, quà cáp, các buổi đưa đón con đi học ngoại khóa v.v. để rồi luôn lo sợ con mình sẽ không đỗ kỳ thi này hay đợt xét tuyển kia.
Thiếu định hướng: Nghe ra tưởng như nhận xét này mâu thuẫn với ngành giáo dục chuyên quan tâm đến định hướng ở Việt Nam. Nhưng trong khi chúng ta luôn đề ra các khẩu hiệu rất kêu: Đào tạo con người vừa hồng vừa chuyên, đào tạo con người gương mẫu, đào tạo con người XHCN, thì nhà trường Việt Nam bỏ qua mục tiêu: Đào tạo con người có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, có chính kiến riêng biệt và biết bảo vệ chính kiến đó.
Nhà trường của chúng ta luôn định hướng để đào tạo ra những con người theo những chuẩn mực được định sẵn. Mọi kiến thức đều phải theo sách vở, theo một luồng tư tưởng chung, không cho phép con người ta "phản biện xã hội". Tôi còn nhớ đến các tranh cãi xôn xao dư luận trên báo chí về một số bài văn "lạ" của một em học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông.
Nếu tất cả trẻ em Việt Nam đều thấy rằng, cách tốt nhất để tồn tại ở xã hội này là phải suy nghĩ theo đám đông, thì bản thân các cháu sẽ không tự tìm tòi chân lý, dù đó là trong môn toán, hay môn văn, môn sử. Chính cách giáo dục nặng về "định hướng" này đã làm thui chột khả năng tự hình thành nhân cách của học sinh. Hậu quả là chúng ta có được một xã hội khá đồng nhất, nhưng ít có khác biệt về tư duy. Thiếu sự khác biệt ắt sẽ không có tinh hoa, và như một quy luật sinh học, xã hội sẽ rất khó phát triển, thậm chí dẫn đến suy vong. Đó là điều nguy hiểm nhất trong nền giáo dục của chúng ta.
Theo tôi định hướng duy nhất mà một nền giáo dục hiện đại phải hướng tới chính là: Phát triển khả năng tư duy tự do sáng tạo của trẻ, từ mẫu giáo, và tiếp tục bảo vệ các phát triển nhân cách riêng biệt đó cho đến khi vào đời. Nói một cách khác là phải đào tạo những con người có nhân cách độc lập và khả năng suy nghĩ tự do. Những con người này sẽ là cơ sở cho một xã hội dân sự phát triển.
Không làm được điều này, mọi cố gắng cải cách giáo dục, thay đổi sách giáo khoa, thay đổi các hình thức nhà trường mà chúng ta đã làm từ hơn 30 năm qua đều dẫn đến kết cục buồn bã mà tất cả chúng ta đều nhìn thấy. Thực trạng của nền giáo dục Việt Nam hiện đang được tranh cãi trên nhiều diễn đàn và tuy có nêu nguyên nhân khác nhau, song không ai chối cãi là nó đang tiêu cực quá mức báo động, và tất cả đều thống nhất là nguyên nhân của nó có nguồn gốc từ cơ chế quản lý xã hội.
Xã hội và con người
Giả thiết hệ thống nhà trường của chúng ta đã giải quyết được các khiếm khuyết nêu trên và làm tốt nhiệm vụ ương ra các cây giống lành mạnh cho xã hội thì liệu trong hoàn cảnh một mảnh đất như ở ta, các cây non đó có thể phát triển thành các đại thụ như ở các mảnh đất khác không? Nhìn sang các nước đang phát triển cạnh ta, chúng ta đã thấy họ có nhiều đóng góp cho nhân loại.
Các ông U-Thant người Miến Điện, ông De Cuellar người Peru, ông Butros Ghali người Ai Cập, ông Kofi Annan, người Ghana, ông Bankimoon người Triều Tiên đều lần lượt làm Tổng thư ký Liên hợp quốc. Đất nước Thái Lan cũng có ông Supachai Panitchpakdi từng làm Tổng giám đốc WTO. Tất cả vị này đều do các nhà nước đó đào tạo ra, trong các điều kiện khó khăn hơn ta ngày nay nhiều.
Nhà trường của chúng ta luôn định hướng để đào tạo ra những con người |
Trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm, dân tộc ta đã tự hào vì có Trần Quốc Tuấn đánh bại quân Nguyên Mông, đạo quân đã từng làm cỏ phần lớn châu Âu và Trung Hoa. Chúng ta tự hào về Nguyễn Trãi biết lấy chí nhân để thay cường bạo, đánh tan 10 vạn quân Minh xong vẫn cấp lương thảo cho hàng binh rút lui, về Quang Trung thao lược trong vòng 3 ngày đêm đánh tan 20 vạn quân Thanh.
Ở thế kỷ 20, thế giới vẫn nhớ đến Việt Nam bởi các danh từ Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ. Nhưng tất cả đó đều là chuyện của quá khứ, khi thế giới chưa hề biết đến hội nhập hay toàn cầu hóa. Ngày nay chúng ta hơi ngỡ ngàng là tuy nước ta đã có vị trí quốc tế cao hơn trước, đã tiếp nhận rất nhiều trí thức Việt kiều, xuất thân từ những gia đình có truyền thống, được ươm trong các vườn cây ưu tú nhất của châu Âu trở về giúp cho chính quyền từ mấy chục năm nay.
Vậy mà chúng ta không hề có một đại diện nào đứng ở các vị trí then chốt của các tổ chức quốc tế như đã nêu trên chứ chưa dám mơ đến vị trí đứng đầu như các ông kia. Câu hỏi đặt ra là phải chăng mảnh đất này đã không cho phép các tinh hoa đó phát triển như mong muốn?
Thực tế cho thấy có không ít chuyên gia được đào tạo ở nước ngoài khi về nước đã làm sai chuyên môn sở trường. Trong hoàn cảnh xã hội trọng bằng cấp như ở ta thì các loại bằng cấp ở nước ngoài về quả là đắt giá. Nhưng chính cái hoàn cảnh mà phẩm chất và năng lực chuyên môn không phải là yếu tố đánh giá chất lượng cán bộ đã khiến những cái bằng này lập tức chuyển hướng đi tìm chỗ đứng của chúng là quan trường. Hậu quả là chỉ sau một thời gian ngắn, những tố chất được rèn luyện tại các vườn ương cây ưu tú kia sẽ bị lối sống thực dụng, giả dối và lối suy nghĩ một chiều hủy diệt.
Số may mắn được làm đúng ngành nghề thì lại không sống nổi với đồng lương và cuối cùng lại phải xoay xở để kiếm sống. Mà đã xoay xở kiếm sống thì anh phải tự uốn mình để phù hợp với xã hội và rốt cuộc là bị rơi vào cạm bẫy của cái gọi là "cơ chế thị trường". Còn nếu ai vì quá tự trọng mà không chấp nhận luật chơi của xã hội thì sẽ tự cô lập bản thân và sẽ tự thui chột theo một dạng khác.
Tất cả những não trạng này có lẽ ai cũng biết và mỗi khi đọc đến ai cũng sẽ kêu lên: Biết rồi khổ lắm nói mãi! Thậm chí có người còn nói: "Ở nước ta không phải đơn giản xã hội làm hỏng con người, mà là con người làm hỏng xã hội. Chính các thói xấu như ưa thành tích, ưa nói dối, thích kèn cựa, quen hối lộ đã gây ra các quốc nạn hiện nay!".
Tuy thấy rõ đây là một ý kiến ngụy biện, tìm cách đánh "lộn sòng" vai trò của nạn nhân và thủ phạm, nhưng ít ra nó cũng nêu lên mối quan hệ tương hỗ giữa con người và xã hội. Và nếu chấp nhận ý kiến này, coi xã hội ta đang bị chi phối bởi những con người với các thói xấu như vậy thì phải chăng nên đặt câu hỏi: Chúng ta đã có "chiến lược con người" đúng đắn?
Để cho mảnh vườn Việt Nam thành mảnh đất mầu mỡ cho các loại cây giống lành mạnh, đã đến lúc chúng ta phải mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật để tìm được cách thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn mà "càng đi nhanh càng sai" đó. Để làm được việc này mỗi người dân, mỗi người trí thức phải dũng cảm vượt qua chính mình để cất lên tiếng nói phản biện, góp phần tìm ra chân lý.
Tác giả: Nguyễn Việt (CHLB Đức, 11/2009)
[email_link] [print_link] [ratings]
0 nhận xét:
Đăng nhận xét