Trung tiết là cấu trúc định khu trên chiều dọc thể nhiễm sắc ở vùng được gọi là eo thắt cấp 1 (primary constriction). Ở trung kỳ ta dễ dàng quan sát thấy trung tiết vì trung tiết là nơi hai nhiễm sắc tử đính kết với nhau. Ở trung kỳ sớm trung tiết phân hóa thành tâm động (kinetochore) để đính với các sợi tâm động của thoi phân bào ở cả 2 phía đối mặt với 2 cực và có chức năng di chuyển nhiễm sắc tử về 2 cực. Nghiên cứu về sinh học phân tử cho biết vùng trung tiết (của thể nhiễm sắc của Nấm men mọc chồi – Saccharomyces cerevisiae) được cấu tạo gồm đoạn ADN không có cấu trúc nucleoxom, chứa khoảng 125 cặp nucleotit gồm 3 đoạn, đoạn I và đoạn III ở hai đầu cuối và đoạn II ở giữa, trong đó đoạn II có khoảng 90 cặp nucleotit và giàu A:T (>90%) có khả năng liên kết với protein của sợi tâm động của thoi phân bào tạo thành tâm động. Trung tiết có vai trò vận chuyển nhiễm sắc tử về hai cực tế bào (thông qua sự tạo tâm động). Ngoài ra, người ta cho rằng tâm động còn có chức năng tham gia vào di truyền ngoại sinh (epigenetic) là biến đổi di truyền không do sự biến đổi nucleotit của ADN mà do sự thay đổi sự biểu hiện của gen do sự methyl hóa ADN và do sự liên kết của ADN với protein cũng như do cấu trúc không gian của sợi nhiễm sắc trong thể nhiễm sắc. Đối với Nấm men phân đôi (Schizosaccharomyces pombe), ruồi quả cũng như ở người, trung tiết có cấu tạo phức tạp hơn nhiều. Trung tiết của S. pombegồm 110.000 cặp nucleotit, của ruồi quả gồm 420.000 cặp nucleotit và của người gồm từ 300.000 cặp (trung tiết của thể nhiễm sắc Y) cho đến 5 triệu cặp nucleotit (trung tiết thể nhiễm sắc số 7), trong đó chứa nhiều ADN satellit là ADN chứa rất nhiều nucleotit lặp.
Trung tiết chia thể nhiễm sắc thành hai vai, chiều dài của hai vai phụ thuộc vào vị trí trung tiết. Người ta thành lập chỉ số trung tiết (centromere index Ic) để xác định vị trí của trung tiết và phân loại các thể nhiễm sắc :
Ic = P/(P+Q)
P: chiều dài vai ngắn
Q: chiều dài vai dài
a. Thể nhiễm sắc tâm mút (acrocentric chromosome) có trung tiết ở đầu mút của vai ngắn.
b. Thể nhiễm sắc cận mút (telocentric chromosome) có trung tiết ở gần đầu mút của vai ngắn.
c. Thể nhiễm sắc cận tâm (tâm lệch) (submetacentric chromosome) có trung tiết ở gần chính giữa (vai P ngắn hơn vai Q).
d. Thể nhiễm sắc tâm giữa (metacentric chromosome) có trung tiết ở chính giữa chia 2 vai bằng nhau.
Nguồn: thuviensinhhoc.com
Trung tiết (Centromere)
Posted by Hải Quảng
on 07:54
0 nhận xét:
Đăng nhận xét