Home » , » Áp lực nghề giáo

Áp lực nghề giáo

Nhìn bề ngoài, nghề giáo dường như là một nghề nhàn nhã, dù thu nhập không cao nhưng có thời gian thư giãn, chăm sóc gia đình, nhất là đối với các cô giáo. Thực tế có đúng như vậy?

Là một giáo viên (GV) lâu năm, tôi hiểu rõ cuộc sống của đồng nghiệp. Nghề giáo không nhàn như mọi người tưởng. Ngoài giờ dạy chính khóa, GV về nhà còn phải soạn giáo án, chấm bài, ghi sổ sách - những công việc tốn thời gian nhất. Việc chấm bài thường khiến nhiều người ngại. Soạn giáo án là việc đương nhiên, có nó, giờ dạy mới bài bản và có chút “lửa” (chỉ dám nói là có chút thôi, vì còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác). Ghi sổ sách là việc bất đắc dĩ, vì riêng đi dạy đã mệt bở hơi tai, còn thời gian và sức lực đâu cho cái việc luôn được coi là hình thức ấy? Nói vậy để thấy áp lực công việc đối với GV không hề nhỏ.
Nhưng nếu chỉ là áp lực công việc thôi thì có lẽ thầy cô nào cũng sẽ cố gắng, vì nghề nào cũng có khó khăn, bận rộn riêng. Trong vòng xoáy của cơn lốc thị trường, người GV cũng không khỏi bị ảnh hưởng. Nói thực lòng, dạy thêm là việc cực chẳng đã, vì có ai muốn mua cái bận vào mình đâu. Ở giờ dạy chính khóa, nói đã mệt, viết bảng đã hít không ít bụi phấn, về nhà chẳng được nghỉ ngơi và lo việc gia đình, lại phải lao vào dạy thêm. Vì sao?

Vì đồng lương không đủ sống. Vì chương trình quá nặng nề, trong khi nhiều học sinh (HS) còn ngại học, nếu không kịp thời củng cố thì những gì mình đã giảng trên lớp lại trôi tuột đi ngay. Cũng còn một lý khác là những đề nghị tha thiết của phụ huynh HS. Họ không muốn gửi con cho gia sư vì không yên tâm, vì chỉ tin tưởng vào thầy cô giáo - những người vừa có kinh nghiệm sư phạm vừa có chuyên môn vững. Thầy cô buộc phải mưu sinh, để đủ lo cho con cái và cũng làm trọn vẹn trách nhiệm với HS.
Vì thế, mong dư luận hãy có cái nhìn thực tế với vấn đề này, đừng vì một vài “con sâu” mà lên án toàn thể GV. Tôi từng biết những thầy giáo đã từ chối dạy thêm, dành giờ phút nghỉ ngơi hiếm hoi để làm một cái việc rất đỗi giản dị là đưa con đi ăn kem, mua sách… Thế mà rồi niềm vui nhỏ bé ấy cũng không kéo dài được bao lâu, vì phụ huynh HS lại đến vật nài xin thầy mở lại lớp để con họ được học.
Nói về áp lực của dư luận, bên cạnh vấn đề dạy - học thêm, không thể không nhắc đến những vụ việc gây xôn xao gần đây. Nào là HS bỏ học, HS tự tử… Cứ mỗi lần có chuyện, người ta lại đặt dấu hỏi về phía GV. Rằng, phải xem cô giáo có mắng mỏ gì không? Rằng, chắc là nhà trường gây ra điều gì bức xúc… GV luôn đối mặt với nỗi hoài nghi của dư luận, đến nỗi lúc nào cũng mang nặng nỗi lo trong lòng dù mình chẳng làm gì nên tội. Nhiều người phải đau xót thốt lên: Tại sao có những vụ HS hành hung thầy - cô giáo, HS tỏ thái độ hỗn láo, vô lễ, coi thường kỷ cương mà ít người lên tiếng? Người ta đổ nhiều tội cho giáo dục, cho rằng đạo đức HS ngày càng đi xuống. Phải cay đắng thừa nhận thực tế, bởi đức dục đang bị lép vế quá mức trước trí dục, trước một chương trình học nặng nề, đến nỗi một tiết giáo dục công dân duy nhất trong tuần cũng thường bị cắt xén.
Trong bộn bề cuộc sống, những áp lực, căng thẳng là điều khó tránh khỏi. Nhưng làm thế nào để giải tỏa được âu lo? Đối với GV, đó là một bài toán không lời giải. Một năm học 9 tháng trời không có phút nào dám buông mình giải trí để làm việc hiệu quả hơn. Suốt ngày vùi đầu soạn bài, chấm bài, hoàn thiện sổ sách, đi dự giờ, đi họp, trao đổi với gia đình HS để kết hợp giáo dục… bên cạnh việc chính là lên lớp, GV không còn thời gian để đọc sách nâng cao chuyên môn, bồi dưỡng và tự học. Đó là chưa kể nỗi lo toan gia đình như bao người khác. Quả là làm nghề giáo không đơn giản!
Xét cho cùng, cũng còn nhiều nghề vất vả, và vất vả theo nhiều cách. Nhưng thật sự là làm GV bây giờ chịu quá nhiều áp lực. Khi xã hội chưa có cái nhìn nghiêm túc và dũng cảm cắt bỏ những “ung nhọt” đã tồn tại lâu năm thì người GV còn chịu nhiều thiệt thòi, và nguy hiểm hơn là sẽ làm giảm đi lòng nhiệt tình trong truyền dạy kiến thức và giúp HS tu dưỡng nhân cách. Điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế hệ trẻ – tương lai của đất nước.
hanoimoi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

kkkp[[[[[[[
Được tạo bởi Blogger.